Xây dựng Khung năng lực số cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
(Cập nhật lúc: 15:08:33 - 01/08/2022) - [Đã xem: 232.337]
Ngày 28/7, tại Hà Nội, Tổng cục GDNN tổ chức Hội thảo “Khung năng lực số cho nhà giáo GDNN” để các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý cùng bàn bạc, trao đổi, thảo luận về việc xây dựng Khung năng lực số cho nhà giáo GDNN (giáo dục nghề nghiệp), làm cơ sở phát triển các chương trình và tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng TCGDNN Nguyễn Thị Việt Hương, đại diện Vụ Nhà giáo, Đào tạo chính quy, Pháp chế và đại diện các cơ sở GDNN... Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCGDNN Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ sở GDNN ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhà giáo, đặc biệt trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo nâng cao năng lực về công nghệ thông tin, về chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ 4 còn rất hạn chế. Lý do là chưa có một bộ quy chuẩn về các năng lực số để các cơ sở GDNN, nhà giáo tổ chức học tập, tự học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Vì vậy, việc xây dựng Khung năng lực số cho nhà giáo GDNN làm cơ sở phát triển các chương trình, tổ chức bồi dưỡng trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật liên tục phát triển dựa trên nền tảng chuyển đổi số là hết sức cần thiết. Hội thảo “Xây dựng khung năng lực số cho nhà giáo GDNN” được tổ chức trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và đại dịch Covid-19 đang có những tác động to lớn đến hoạt động dạy và học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá trong các cơ sở GDNN, cũng như đang mở ra các cơ hội tiếp cận, triển khai mạnh mẽ các hoạt động GDNN trong môi trường số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Nhà Giáo, Tổng cục GDNN, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là “phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN”. Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhấn mạnh việc phát triển đội ngũ nhà giáo có năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số, “có phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi mà thế kỷ XXI đòi hỏi, cùng kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc CMCN 4.0”. Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần “tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động”. Vì vậy đội ngũ nhà giáo GDNN trong giai đoạn mới cần tập trung đầu tư đồng bộ để đổi mới và nâng cao chất lượng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đã được Chính phủ phê duyệt tại các Chương trình, Đề án.
Cũng theo ông Trần Minh Thịnh, trong giai đoạn 2010 - 2021, công tác đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo GDNN đã được các cấp, ngành tập trung đầu tư. Tính đến 31/12/2020, tổng số nhà giáo GDNN là 83.959 người. Về cơ bản, 100% nhà giáo đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo, nghiệp vụ sư phạm; hơn 60% nhà giáo dạy thực hành, tích hợp đạt chuẩn về kỹ năng nghề.